Đời Và Nhạc Trịnh Công Sơn (Phần 8)

Doi-va-nhac-trinh-cong-son-01

Đêm Trường Sơn, chờ cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn. Đấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày sau hoà bình.

Rất lạ, với tôi khi đó nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hoà bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca khúc của Hà Nội khi đó “

Quý hoá hơn nữa, anh Thọ đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh Công Sơn hát Nối Vòng Tay Lớn, buổi trưa ngày 30/4/1975, trên đài Sài Gòn :

” Mặt đất bao la … anh em ta về … gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng …

Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.

Chúng tôi tiến vào Sài Gòn…

Nối Vòng Tay Lớn

Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc thường dễ nổi cáu và nổi doá.

Đấy là kỷ niệm thứ hai của tôi về anh “

Tiếng hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hằng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại hay sao ?

Tôi ơi đừng tuyệt vọng

Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó ?

Sau này, Thọ sang sinh sống tại Đức, theo diện xuất khẩu lao động, vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn :

” Ngay cả sau này, đôi khi tự an ủi mình, nâng đỡ mình, tôi khe khẽ hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”… và nhiều bài ca khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết và cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trưa phát thanh trên làn sóng Sài Gòn ngày đó “

Ở một chân trời khác, nhiều người oán trách Trịnh Công Sơn về việc lên đài hát Nối Vòng Tay Lớn, trưa ngày 30.4.1975. Thật ra, anh có hát hay không hát, thì chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũng tan rã. Anh có hát, và có hợp tác với chính quyền mới, âu cũng là một cách cứu vãn vết tích văn hoá của nền Việt Nam Cộng Hoà đã đào tạo ra anh về mặt tài năng và sự nghiệp, thậm chí tạo ra cả một huyền thoại Trịnh Công Sơn.

Một lần nữa, ông Nguyễn Văn Trung, sau Ảo Ảnh Thanh Thúy nếu viết Trịnh Công Sơn Thực Chất và Huyền Thoại cũng sẽ nghĩ ra nhiều điều hay.

Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.
Nguồn: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *